​​​​​​​TẦM NHÌN DÀI HẠN XÂY DỰNG SÂN BAY QUỐC TẾ LONG THÀNH

Để xây dựng thành công thành phố Sân Bay Quốc Tế Long Thành, Đồng Nai cần có tầm nhìn quy hoạch tổng thể dài hạn, ít là từ 20 đến 30 năm. Trên cơ sở tầm nhìn quy hoạch tổng thể đó, xây dựng những kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn.Với việc sở hữu cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng trên địa bàn, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình đô thị sân bay, từ đó tạo động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các sân bay được phát triển đến mức như một đô thị thu nhỏ, được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với thành phố bằng những phương tiện công cộng hiện đại, tốc độ cao đang là xu hướng nổi bật trong quy hoạch xây dựng sân bay của các nước trên thế giới. Hàng loạt các thành phố sân bay, đô thị sân bay đã và đang được hình thành tại nhiều nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan hay Singapore. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, hầu hết chúng ta đều quen với việc sân bay thường được xây dựng ở xa thành phố trung tâm. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới sân bay được phát triển đến mức như một đô thị thu nhỏ được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với các thành phố bằng những phương tiện giao thông công cộng hiện đại tốc độ cao. Mô hình thành phố sân bay hay sự phát triển cao hơn là khu đô thị sân bay là mô hình phát triển đô thị trong đó đặt sân bay vào vị trí trọng tâm. Hoạt động vận chuyển qua đường hàng không hầu hết là các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Do đó nền kinh tế xung quanh khu vực sân bay cũng được nâng lên. “Lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không của Hàn Quốc chiếm 0,5% sản lượng nhưng giá trị của nó lên đến gần 50% tổng giá trị hàng hóa” trích lời phân tích về sân bay Incheon của giáo sư Han Hyun Koo ở trường cao học Inha ở Hàn Quốc về logistic, hàng không.

Hiện nay trên toàn thế giới hầu hết các nước đang hướng tới mô hình thành phố lớn có trọng tâm là sân bay. Khi thành phố sân bay được phát triển toàn diện, nó có khả năng phát triển thành một khu đô thị với thành phố sân bay là trọng tâm và rất nhiều cơ sở cộng theo như: các khu thương mại điện tử, khu công nghiệp, trung tâm hàng hóa, trung tâm logistic, các công ty sản xuất các mặt hàng giá trị cao. Bên cạnh giá trị kinh tế đến từ lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, khi lượng khách qua đường hàng không tăng cũng sẽ làm tăng trưởng hoạt động tiêu dùng. Hoạt động kinh tế của lượng hành khách và lương hàng hóa thông qua đường hàng không sẽ kích thích kinh tế của khu vực xung quanh sân bay thay đổi theo.

Tầm nhìn dài hạn để xây dựng Sân Bay Long Thành: Theo ông Lại Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV, thành phố sân bay sẽ là mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistic, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông.

Quy hoạch sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình thành phố sân bay. “Hành khách đến cảng hàng không có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố” – ông Lại Xuân Thanh chia sẻ.

Sau khi sân bay đưa vào hoạt động, Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay, đô thị sân bay, bởi vì sân bay Long Thành có nhiều điểm tiềm năng về đầu tư. Ngoài ra Sân bay Long Thành có một khu vực nền tảng là các khu công nghiệp, Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam. Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép – Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế.

Tạm kết

Sân Bay Quốc Tế Long Thành có vị thế rất lớn để phát triển kinh tế xã hội khi nằm rất gần với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất cả nước. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò cực kỳ quan trọng, không những kết nối Việt Nam với thế giới mà còn kết nối với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy Đồng Nai xác định vị trí chiến lược của sân bay Long Thành cũng như tầm quan trọng của việc phát triển thành phố sân bay Long Thành là cần thiết, nhằm đưa tỉnh trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động trong tương lai.