Trước áp lực đại dịch Covid – 19 kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế của cả nước. So với các ngành nghề khác thì thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, trước áp lực về tài chính, vay vốn ngân hàng,...các nhà đầu tư đành chịu cắt lỗ “bán lúa non” để thu hồi nguồn vốn.
Nhà đầu tư lướt sóng “mắc cạn”
Vào năm 2020, anh Phú (TPHCM) đã đầu tư 2 căn hộ ở Bình Dương, khu vực giáp ranh với TPHCM theo làn sóng thị trường lúc bấy giờ. Sau khi tìm hiểu, anh nhận định vị trí khá đẹp và nghĩ rằng chắc chắn sẽ tăng giá trong thời gian ngắn. Anh quyết định đầu tư liền 2 căn với mức giá là 35 triệu đồng/ m2 và thanh toán theo đợt. Theo tính toán, anh sẽ đầu tư lướt sóng ngắn hạn khi nào có lời anh bán sang tay cho người có nhu cầu khác.
Nhưng không theo dự tính của anh, đến tháng 5/2021, sau khi thanh toán đợt 4 thì dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ khiến vợ chồng anh gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Dịch bệnh kéo dài, cả hai vợ chồng làm việc ở nhà và chỉ được nhận 50% lương. Tiền thì không kiếm ra trong khi các đợt thanh toán vẫn phải đóng đúng ngày theo thông báo hàng tháng của chủ đầu tư. Anh Phú đành liên hệ với môi giới gửi bán lại 2 căn hộ, mặc dù đã bán với giá vốn nhưng với tình hình khó khăn hiện nay nhà của anh vẫn chưa thể ra hàng.
Qua thống kê thực tế, trên thị trường BĐS có rất nhiều nhà đầu tư từ căn hộ, đất nền, shophouse đang rơi vào trạng thái “ngộp thở” do không thể xoay vòng được nguồn tiền như trước đây, thậm chí những nhà đầu tư đã chọn phân khúc cao cấp cũng đang chịu cảnh chôn chân tại chỗ, vội vã tìm cách ra hàng để bảo vệ nguồn tài chính của họ.
Gặp gỡ ông Hiển (một nhà đầu tư căn hộ cao cấp), ông ngậm ngùi chia sẻ rằng ông có mua một căn hộ tại chung cư cao cấp ở Thủ Đức vào năm 2018 với giá 65 triệu đồng/m2. Nhưng đến cuối 2020 do gặp khó khăn không đủ tài chính thanh toán phần còn lại cho chủ đầu tư, trước lãi suất phạt do chậm thanh toán, ông gấp rút rao bán căn hộ nhưng đã qua mấy tháng vẫn chưa ai hỏi mua mặc dù ông chấp nhận bán với giá vốn khi mua vào. Ông nói thêm, thời điểm đầu, tôi có tham khảo thị trường xung quanh thấy thị trường bán với giá 75-85 triệu đồng/m2. Nên tôi cũng tự tin rao bán căn hộ của mình 75 triệu/m2, nhưng mãi không thấy ai hỏi, tôi đành giảm xuống giá vốn, thậm chí chịu lỗ nhưng đến nay vẫn chưa bán ra được.
Không đáp ứng được nguồn tài chính
Theo các chuyên gia BĐS, phần lớn các nhà đầu tư phải chịu chấp nhận “bán lúa non” là do không thể xoay được dòng tiền để thanh toán theo tiến độ như đã ký hợp đồng với chủ đầu tư. Dưới áp lực lãi suất do trễ hợp đồng, đồng thời không đủ tự tin để vay ngân hàng thì đành phải ngậm đắng bán hòa vốn hoặc thậm chí chịu lỗ để nhanh chóng đẩy hàng. Thời điểm dịch bệnh rất nhiều nhà đầu tư cùng rơi vào cảnh thu về quả đắng khi bỏ ra tiền tỷ mà sau 1-2 năm lại không thu lại được đồng lời nào cả.
Dựa trên khảo sát của các sàn môi giới tại TPHCM và Bình Dương, khá nhiều dự án rơi vào tình trạng chuẩn bị tiến hành bàn giao nhà thì chủ căn hộ lại nhờ sale bán lại với giá gốc, chấp nhận lỗ ít để tránh rơi vào hoàn cảnh chậm thanh toán phải nhận mức lãi suất phạt khá nặng.
Trang báo Batdongsan.com cho biết, hiện nay, xu hướng ra hàng chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, khi thị trường tiêu thụ phần lớn là sản phẩm trung cấp thì nguồn cung phân khúc cao cấp khá nhiều tạo ra sự chênh lệch khá lớn.
Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM) bày tỏ: “rất mong các NHTM xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay và trả nợ gốc để kịp thời giúp người vay mua nhà có nhu cầu ở thực có thể vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước.”
Một vị đại diện của một công ty BĐS cho rằng, thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư kiểu “lướt sóng” có số vốn nhỏ đã rơi vào khó khăn khi không đủ tài chính chuyển qua đầu tư dài hạn khi Covid-19 ập tới. Một khi có tác động xẩu xảy ra, khiến họ không kịp trở tay trước khi thị trường dần đóng băng. Nhà đầu tư càng ôm nhiều BĐS thì áp lực càng lớn, vì thế, một lời khuyên cho các nhà đầu tư lướt sóng là hãy tính toán lại nguồn vốn và các khoảng nợ sao cho hợp lý, vừa với sức xoay vòng vốn của mình để đảm bảo an toàn tài chính và không phải chịu lỗ khi dấn thân vào đầu tư.
Với thực trạng dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp thì các chuyên gia nhận định đây là thời điểm thích hợp để đầu tư để săn các Bất Động Sản dài hạn chứ không thể đầu tư lướt sóng như trước đây được nữa. Có nhiều dẫn chứng cho ta thấy được nếu dịch Covid-19 được kiểm soát triệt để thì thị trường BĐS sẽ dần khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
LINK THAM KHẢO CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN: TẠI ĐÂY