(VNF) - Chuyên gia BĐS Ông Trần Khánh Quang cho biết có khoảng 80% nhà đầu tư có sẵn tiền và đang rất nóng lòng chờ ngày cả nước mở cửa trở lại để tìm sản phẩm để giao dịch vào. Ngược lại, khoảng 10-20% nhà đầu tư có nhu cầu bán ra để giải quyết vấn đề trước mắt sau 3 tháng gồng mình trả lãi vay ngân hàng và nhiều chi phí phát sinh khác.
Chia sẻ về sức khỏe tài chính của các nhà đầu tư bất động sản cá nhân hiện nay, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết có khoảng 80% nhà đầu tư hiện có sẵn tiền và đang nóng lòng chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào. Nhóm này hồ hởi đi xem, tìm hiểu dự án nhưng lại thận trọng trong quyết định xuống tiền.
Trong khi đó, có khoảng 10-20% nhà đầu tư có nhu cầu bán ra bất động sản để giải quyết vấn đề trước mắt sau 3 tháng gồng mình trả lãi vay ngân hàng và nhiều chi phí khác. Họ cũng đang chờ đợi nới lỏng giãn cách mới rao bán, vì nếu có bán trong giai đoạn hiện nay cũng chỉ nhận cọc từ 100 - 200 triệu đồng cũng không thể giải quyết được gì.
“Như vậy, một bên muốn đi xem bất động sản để mua và một bên đợi mở cửa để bán, thậm chí là bán giảm giá 5-10%. Nhưng người bán thì chắc chắn sẽ bán còn người mua thì chưa chắc đã mua. Sau dịch sẽ là một thị trường rất thú vị, nhiều người muốn mua nhưng quyết định còn dè dặt”, ông Quang nói.
Khi được hỏi có nên đầu tư phân khúc căn hộ trong giai đoạn hiện nay, vị chuyên gia cho rằng đây không phải là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư. Bởi lẽ, nhà đầu tư thường đặt nặng khả năng khai thác cho thuê căn hộ nhiều hơn so với các phân khúc khác. Căn hộ khai thác tốt được khoảng 5%, còn nhà phố nhiều lắm cũng chỉ được 2-2,5%, thậm chí nhà mặt tiền chưa tới 11%/năm.
“Cho thuê căn hộ trong giai đoạn tới dự báo vẫn chưa thể phục hồi do nhóm nhà đầu tư nước ngoài chưa quay lại ngay trong khi tỷ lệ không nhỏ người lao động có xu hướng về quê 3-6 tháng khi mở cửa trở lại. Hiện nay, các căn hộ đều phải giảm giá cho thuê, ít cũng 10%, nhiều có thể lên đến 30-50%”, ông Quang cho hay.
“Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thị trường căn hộ đi xuống, vì phân khúc này trước tiên phục vụ nhu cầu ở thực. Có đi xa để đầu tư phân khúc nào, cuối cùng người ta cũng quay lại trung tâm thành phố để hoạt động. Nếu có cơ hội, chúng ta cũng mạnh dạn mua căn hộ và chọn những dự án có giá tốt, chủ đầu tư tốt, đặc biệt là quản lý tốt”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Đồng quan điểm trên, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, cho rằng số người mua căn hộ, đặc biệt là mua căn hộ để đầu tư cho thuê sẽ giảm trong một thời gian.
Lý do như ông Quang chia sẻ trên, vị giám đốc nhấn mạnh rõ ràng tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ đang rất thấp tại 2 thành phố, đặc biệt là tại TP. HCM. Thời kỳ cao điểm của thị trường căn hộ (vào khoảng 2015-2016), số lượng căn hộ chào bán ra vô cùng nhiều, người mua cũng nhiều. Đối với căn hộ cao cấp, có đến 50-60% người mua để cho thuê. Tỷ suất lợi nhuận lúc đó 7-7,5%/năm, thậm chí 8%.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, bà Dung cho biết đơn vị đã dự báo chắc chắn tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm đi do sự cạnh tranh rất lớn từ nguồn cung nhiều. Và trong 5 năm qua, tỷ suất lợi nhuận cho thuê giảm dần đều qua các năm, từ 7,5% xuống còn 6,5%, 6% cho đến 5%. Nghĩa là, ngay cả khi chưa chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê đã giảm xuống.
Khi làm khảo sát thị trường 6 tháng, Giám đốc cấp cao CBRE nhận thấy tỷ suất cho thuê giảm xuống chỉ còn đâu đó 2,5-4% tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Lý do, chủ nhà phải giảm giá cho thuê, nhiều người nước ngoài đã về nước. Số còn lại cũng phải giảm giá cho thuê và cũng sẽ mất một khoảng thời gian để người nước ngoài quay trở lại thuê căn hộ để sống và làm việc, bên cạnh những cá nhân và gia đình Việt Nam thuê.
“Cùng với sự sụt giảm về tỷ suất lợi nhuận cho thuê, việc mua căn hộ để cho thuê chắc chắn sẽ giảm. Tôi nghĩ rằng nhóm này chỉ chiếm 10-20%, còn lại là những người mua để ở thực. Nhưng những người này cũng rất thận trọng khi đặt tiền mua căn hộ sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch này”, bà Dung đánh giá.
Đối với những người không có nguồn tích lũy, nữ giám đốc khẳng định họ sẽ rất thận trọng khi xem xét về chính sách cũng như lãi vay ngân hàng, chính sách chào bán của chủ đầu tư để hỗ trợ người mua giai đoạn sau dịch cũng như kích cầu…