"Chiến sĩ" nơi tuyến đầu chống dịch - Bà Đặng Thị Kim Oanh Chủ Tịch Quỹ Từ Thiện Kim Oanh Group

Nếu mỗi sáng mở mắt thức dậy, biết chắc sẽ không thu được đồng nào, nhưng vẫn phải chi ra cả tỷ đồng tiền lương, chi phí vận hành doanh nghiệp… có thể nhiều người sẽ gục ngã.

Trong hơn 1 tháng, Kim Oanh Group đã hỗ trợ công cuộc phòng chống dịch số máy móc trang thiết bị vật tư y tế và tiền mặt tương đương 31 tỷ đồng.

Thế nhưng từ những ngày đầu tháng 7/2021, khi “làn sóng” COVID-19 ập đến một số tỉnh phía Nam, với bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, Chủ tịch Quỹ từ thiện Kim Oanh, đồng thời là chủ một số Doanh Nghiệp tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai), đây không phải là bận tâm lớn nhất. Giao lại công việc cho người khác, bà Oanh đã dồn nhân lực, những thứ mình có thể, bất chấp rủi ro nhiễm bệnh từng phút, từng giờ, lao vào cuộc chiến góp sức với các tuyến đầu phòng chống đại dịch bệnh Covid-19

“Thương người như thể thương thân”

Bà Đặng Thị Kim Oanh đã từng sống trong cơn “đại hồng thủy” tràn qua xứ Huế năm 1999, cả trăm người tử vong được đưa về khu vực Bia Quốc học chờ người thân nhận dạng; đã từng mạo hiểm tính mạng ngược dòng lũ dữ mang hàng cứu trợ tới vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Trung bị thiên tai chia cắt…chính vì thế mà bà Oanh thấu hiểu được sự tàn phá kinh hoàng và nỗi khổ trong thiên tai, dịch bệnh. Bà là người đã từng trải qua tuổi thơ cơ cực, bà mới đồng cảm và lập ra Quỹ từ thiện Kim Oanh, quỹ từ thiện mang tên mình từ năm 2015.

Các hoạt động xã hội thiện nguyện, đóng góp an sinh xã hội, Quỹ từ thiện Kim Oanh đã thực hiện thường lệ hàng chục năm nay, nhưng “cơ duyên” dấn thân vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 thì đến rất tình cờ. Khi lần lượt TP HCM, Bình Dương, rồi Đồng Nai… bị công bố vùng có dịch, mối lo trước tiên của bà Oanh là Cty hàng ngàn cán bộ, nhân viên tiếp xúc nhiều khách hàng, làm sao để an toàn cho xã hội?

Trước đó, Cty đã đóng góp gần 10 tỷ vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 thông qua Trung ương MTTQ và các tỉnh, thành TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Cty phát công văn đến Bộ Y tế, được hướng dẫn DN ở đâu địa phương đó sẽ lo. Bà Oanh đến từng cơ sở y tế, trình bày nguyện vọng chính đáng, kèm cam kết hệ thống cán bộ Cty sẽ hỗ trợ hết sức. Sau này hàng ngàn nhân viên Kim Oanh được tổ chức chích ngừa với thời gian “nhanh, gọn, lẹ” kỷ lục, đảm bảo an toàn; mà ít ai biết rằng trước đó “sếp” của mình đã phải đăng ký tiêm theo hình thức toàn dân không có sự hỗ trợ nào, phải xếp hàng từ sáng tới gần 2h chiều, khi sắp ngất xỉu vì mệt và đói, mới tới lượt.

Đó cũng là thời gian bà Oanh chứng kiến sự lây lan tàn phá của virus Sars Cov-2 biến thể Delta, sự quá tải vất vả của đội ngũ y tế. Những dòng tin nhắn một người quen gửi đã ám ảnh bà Oanh: “Ba em chết rồi. Ba em chết rồi anh chị ơi. Tình hình mẹ em nặng lên, sinh mạng như chỉ mành treo chuông. Em đã mất ba chỉ trong mấy ngày, giờ mẹ em vậy, sao em sống tiếp nổi? Cảnh gì tàn khốc quá anh chị ơi”.

Đó là tin nhắn từ một gia đình đặc biệt, cả nhà đều nhiễm COVID-19. Người cha cầm cự ít ngày tại nhà thì mất. Người mẹ hấp hối được đưa vào cơ sở y tế, nhưng thiếu máy thở, tầng trên đã quá tải. Bà Oanh gọi điện “cháy máy”. Nhưng đã không chạy đua được với thời gian. Khi tìm thấy một BV còn giường trống có đủ thiết bị máy móc, cũng là lúc người bệnh trút hơi thở cuối cùng. “Giá như lúc đó có máy thở”, bà Oanh day dứt.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bên phải) cảm ơn sự hỗ trợ từ Kim Oanh Group.

Bà Oanh còn xót xa chứng kiến những vất vả, thiếu thốn của các y, bác sĩ. Một số BV chưa đầy đủ thiết bị chuyên biệt, y bác sĩ phải bóp bóng trợ thở người bệnh. Dù y bác sĩ giỏi và tận tâm đến đâu mà không có thiết bị y tế chuyên dụng, sẽ giảm đi cơ hội sống của bệnh nhân nặng. Đồ bảo hộ không đủ, có khi phải nhịn vệ sinh cá nhân suốt ca trực. Cơm có lúc sống lúc khê, phải chế mì tôm nước sôi qua bữa.

“Tiếp nối nhịp thở - Chia sẻ yêu thương”

Đã từng trải qua những giông bão cuộc đời, nhưng bà Oanh cho hay, lúc này mới càng cảm nhận sâu sắc tiền tài, danh vị có những lúc không giúp ích được gì và càng trăn trở phải làm gì giúp mọi người? Nữ doanh nhân có tiếng giỏi xoay xở trên thương trường âm thầm tìm tới các đầu mối cung cấp thiết bị y tế đặt khẩn cấp các lô hàng để tặng các BV.

Lịch trình hoạt động của Quỹ Từ thiện Kim Oanh dày đặc trong tháng 7 và tháng 8/2021, toàn ở những “điểm nóng” dịch bệnh: Ngày 13/7 tặng 10 ngàn bộ kit xét nghiệm nhanh và 1 tỷ đồng cho BV Y Dược TP HCM; tặng 800 kit cho TX Bến Cát (Bình Dương). Ngày 19/7 tặng 10 máy trợ thở cho một BV. Ngày 20/7 tặng 10 máy thở và 8000 kit cho BV Đa khoa Bình Dương. Ngày 21/7 tặng 10 máy thở BV Thống Nhất (Đồng Nai). Ngày 27/7 tặng 1000 khẩu trang y tế N95, 1000 bộ đồ bảo hộ y tế cho BV 175 (TP HCM). Ngày 28/7 tặng 1 máy thở đa năng, 35 bộ nối máy thở… cho Đồng Nai. Ngày 29/7 tặng 12 máy thở, 1000 khẩu trang N95, 800 bộ đồ bảo hộ y tế cho y tế Bình Dương. Ngày 30/7 tặng 12 máy thở và vật tư y tế cho Long An và Đồng Tháp. Ngày 2/8 tặng 10 hệ thống máy thở, dụng cụ y tế cho huyện Bàu Bàng và Dầu Tiếng (Bình Dương)…

Tất cả những chuyến đi trên, bà Oanh đều trực tiếp dẫn đầu, đi cùng là một nhóm nhỏ nhân viên tâm huyết, tình nguyện nhất. Bà Oanh không cử người đi thay, vì “vào những nơi dễ lây lan dịch bệnh, tôi không đẩy khó khăn nguy hiểm cho cấp dưới. Nếu không may nhiễm bệnh thì mình chịu được, nhưng người khác thì biết nói sao với gia đình bố mẹ chồng con họ?”.

Bà Oanh cũng cho biết: “Phải tự mình đi vào các điểm nóng, mới có thể thấy được các địa phương cần gì, thấy được sự nhiệt tình của cán bộ các địa phương. Họ cũng bạc tóc chống dịch và đâu nhận được gì về mình, nhưng khi có vật tư y tế, máy móc thiết bị cứu dân thì ai nấy đều vui mừng. Phải đến tận những “điểm nóng”, mới cảm nhận được sự hy sinh của lực lượng chống dịch, càng thấy những sự đóng góp của mình là nhỏ bé”.

Không chỉ là một doanh nhân, bà Oanh còn là một phật tử cả đời tâm niệm “Người với người sống để thương nhau”.

Cũng từ những chuyến xông pha vào các “tuyến lửa”, bà Oanh mới đúc kết ra được những kinh nghiệm cung cấp những vật dụng thiết thực nhất, chuyển hướng hỗ trợ. Máy thở chỉ dùng cho những người bệnh nặng nhất, nhưng quan trọng hơn là làm sao để hạn chế tối đa người bệnh trở nặng? Phải có oxy, máy đo nồng độ oxy, đồ bảo hộ. Phải có đồ ăn, có gạo cho những người trong khu phong tỏa.

Một lần nữa, bà Oanh lại xoay xở tìm nguồn cung cấp. Ngày 12/8 vừa qua, Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã trao tặng BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 Bình Dương 4 máy thở, 2.500 mặt nạ oxy, 1.500 đồng hồ oxy, 1.100 máy đo nồng độ oxy, 70 bình oxy và hàng ngàn khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế. Cùng với đó, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Quỹ cũng gửi tới người dân các khu vực cách ly phong tỏa 42 tấn gạo.

“Người với người sống để thương nhau”

Chương trình “Tiếp nối nhịp thở - Chia sẻ yêu thương” đóng góp 100 hệ thống máy thở, 500 thiết bị hỗ trợ kết nối máy thở, 1.000 đồng hồ oxy, 20.000 bộ đồ bảo hộ y tế và 100.000 khẩu trang y tế N95... đang thực hiện, mới đây Quỹ đã tiếp tục tổ chức chương trình “Hạt gạo nghĩa tình”, hỗ trợ người dân 130 tấn gạo.

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Quỹ, chỉ riêng chương trình “Tiếp nối nhịp thở - Chia sẻ yêu thương”, trong thời gian hơn 1 tháng, đã hỗ trợ công cuộc phòng chống dịch số máy móc, vật tư y tế và tiền mặt tương đương 31 tỷ đồng; trong đó 4,5 tỷ từ các nhà hảo tâm; 26,5 tỷ cá nhân gia đình bà Oanh và Cty đóng góp. “Giá như thời gian vừa qua một số dự án của Cty không gặp phải một số vướng mắc, tôi đã có thể làm được nhiều hơn thế”, bà Oanh nuối tiếc.

Một “bí mật” nho nhỏ khác ít người biết, là để dấn thân vào những chuyến đi ấy, bà Oanh phải chấp nhận tự cách ly với chồng con. Gia đình bà có các cháu nhỏ, người con gái đang cho con bú, người con dâu đang thai nghén, được chỉ định không chích ngừa vaccine. Bà Oanh tâm sự: “Nguy cơ lây nhiễm rất cao, chỉ biết tự bảo vệ bản thân bằng 5K. Nhưng tôi có sợ hay không ư? Đã dấn thân thì dứt khoát không ngại ngần”. Nhiều người thân đều nhận xét, ngoài may mắn có một gia đình biết chia sẻ nhịn nhường, bà Oanh còn là một người phụ nữ nhân hậu và vô cùng quyết đoán.

Những cuộc dấn thân góp sức vào công cuộc phòng chống dịch cũng cho bà Oanh nhiều điều. Đó là tình người, là đạo lý Việt Nam dù ở ranh giới sinh tử mong manh vẫn biết thương yêu nhau. Như câu chuyện của một gia đình 7 người đều nhiễm bệnh bà Oanh tận mắt thấy tai nghe. Thời điểm đó BV chỉ còn một giường trống duy nhất. Cả gia đình thều thào bàn bạc dành “suất” cho người con trai duy nhất trong nhà, mong con trai khỏi bệnh còn có người nối dõi, nhang khói. Nhưng khi xe đến, người con trai dứt khoát không chịu rời đi, đẩy mẹ lên xe nhường “suất”. “Người với người sống để thương nhau là như thế”, bà Oanh rưng rưng và cho hay đó chính là những động lực để hoạt động của Quỹ Từ thiện Kim Oanh ngày càng giúp được nhiều người hơn, để bản thân bà ngày càng cố gắng hơn.