Đó là chủ đề cuộc tọa đàm do Quỹ Từ thiện Kim Oanh vào ngày 31-3-2023, với sự tham gia của PGS. TS Lê Thanh Sang – nguyên Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ; bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Từ thiện Kim Oanh; ông Nguyễn Thuận – Phó Chủ tịch Quỹ Từ thiện Kim Oanh, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, quỹ từ thiện, các nhà nghiên cứu và các nhà hảo tâm… Dịp này, Quỹ Từ thiện Kim Oanh cũng giới thiệu dự án “Cùng làm Cha, Mẹ” và ra mắt Kênh gây quỹ trực tuyến nhằm hướng tới một thế hệ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Đề tài “Từ thiện: Tiếp nối và phát triển bản sắc văn hóa địa phương trong xã hội Việt Nam đương đại” do nhóm nghiên cứu và phát triển dự án của Quỹ Từ thiện Kim Oanh thực hiện hơn một năm qua trên cơ sở nghiên cứu các dự án, các hoạt động thực tế của Quỹ và các tổ chức phi chính phủ, các hội nhóm thiện nguyện của các doanh nghiệp và cá nhân ở tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường sống… Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra được những khác biệt văn hóa vùng miền, địa phương ảnh hưởng đến hoạt động “cho và nhận” để từ đó giúp Quỹ xây dựng các kế hoạch hành động, chương trình thiết thực và hiệu quả hơn.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Từ thiện Kim Oanh Group -cho biết khởi đầu Quỹ hoạt động xuất phát từ tâm của cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mong muốn được lan tỏa yêu thương và lòng nhân ái đến tất cả cộng đồng, Quỹ Từ thiện Kim Oanh mong muốn xây dựng được những kế hoạch thực hiện các dự án thiện nguyện thực sự hiệu quả và bài bản. Vì thế, Quỹ đã đầu tư cho các nghiên cứu, báo cáo để có thể lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các chuyên gia và cộng đồng tâm huyết.
“Trong giai đoạn hiện nay, làm thiện nguyện đối với Quỹ Từ thiện Kim Oanh không chỉ là các hoạt động cứu trợ mà còn phải kiến tạo những tri thức khoa học mới cho xã hội. Ngoài ra, những kết quả của đề tài nghiên cứu công bố trong tọa đàm hôm nay cũng sẽ là cơ sở giúp Quỹ Từ thiện Kim Oanh nói riêng và các tổ chức từ thiện, xã hội, các địa phương nói chung có định hướng tốt hơn cho các hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp, đồng thời đề xuất cách tiếp cận phù hợp cho hoạt động ở hiện tại và cả tương lai”, bà Oanh chia sẻ.
Chia sẻ tại tọa đàm, ThS. Trương Nguyễn Bảo Trân – Giám đốc Điều hành Quỹ Hỗ trợ phát triển Cộng đồng Sống Bền vững và ThS. Nguyễn Thị Thu Lài – Chủ nhiệm chương trình Cấy Nền Yêu Thương – đã chia sẻ các hình thức từ thiện tiếp cận đến những đối tượng nghèo nhằm mang lại hiệu quả và giá trị bền vững cho các đối tượng tiếp nhận.
Trong thời gian gần đây, hoạt động thiện nguyện đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Theo báo cáo nghiên cứu cũng như những trao đổi của các chuyên gia tại tọa đàm, xu hướng vùng miền, địa phương có những tác động đáng kể đến hoạt động thiện nguyện của các tổ chức. Theo đó, tổ chức hay cá nhân khi đã tham gia hoạt động thiện nguyện, kết nối cộng đồng của các chương trình hỗ trợ, tài trợ thì ngoài việc chia sẻ khó khăn, hành động thiết thực cũng phải minh bạch, đặc biệt là minh bạch để tạo niềm tin cho xã hội. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được những kế hoạch bám sát thực tế, mang lại hiệu quả bền vững như “giúp ngặt không giúp nghèo”, “hỗ trợ giá trị tri thức chứ không chỉ là vật chất”…
Trao đổi tại tọa đàm, bà Oanh cho biết các hoạt động thiện nguyện của Quỹ Từ thiện Kim Oanh Group mang tính lan tỏa rất cao, hoạt động của cá nhân lan tỏa đến các cá nhân khác, hoạt động của doanh nghiệp lan tỏa đến các doanh nghiệp khác. Tất cả mang đến giá trị cho những người cần được giúp đỡ. Có thể kể đến chương trình “Knock Out Covid” được Quỹ Từ thiện Kim Oanh tổ chức thành công trong giai đoạn dịch Covid 19 bùng phát và đã lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp nhiều địa phương.
Cũng theo bà Oanh, cho đến nay, nguồn thu chính của Quỹ Từ thiện Tập Đoàn Kim Oanh vẫn là từ lợi nhuận doanh nghiệp (Kim Oanh Group), gia đình và nhân viên tập đoàn. Nguồn hỗ trợ từ bên ngoài chưa tới 5% nên Quỹ mong muốn sẽ nhận được sự chung tay, tiếp sức từ cộng đồng, chia sẻ thông điệp “cho đi là nhận lại” để kết nối và tạo ra giá trị lan tỏa yêu thương với triết lý “Khởi sự từ tâm – Hành động tử tế – Tác động bền vững”.
Tổng kết tọa đàm, PGS.TS. Lê Thanh Sang kết luận: “Thiện nguyện là một hoạt động lan tỏa tinh thần khoan dung và lòng nhân ái. Qua các báo cáo, có thể thấy các phương thức, hoạt động từ thiện hiện nay rất đa dạng và không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực vật chất. Công tác thiện nguyện có thể lan tỏa hơn nữa khi chúng ta hiểu và thu hút được sự tham gia của nhiều người, đặc biệt là người dân ở các địa phương có người được nhận hỗ trợ; đồng thời hiểu được các sắc thái văn hóa địa phương, thể chế cộng đồng xã hội, vùng miền”. Ngoài ra, Phó giáo sư cũng đánh giá cao các hoạt động của Quỹ Từ thiện Kim Oanh suốt hành trình 15 năm qua cũng như cách Quỹ đào sâu nghiên cứu để xây dựng những kế hoạch thiện nguyện thực tế và hiệu quả tốt hơn trong tương lai.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã phát động dự án “Cùng làm Cha, Mẹ” và ra mắt Kênh gây quỹ trực tuyến với mục đích hướng tới một thế hệ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tình cảm và xã hội. Đây là dự án cộng đồng cùng đồng hành trong hành trình lớn khôn của những trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha mẹ trong dịch Covid-19 với các hoạt động như tìm kiếm lại gia đình yêu thương cho các em, đảm bảo cho các em được nuôi dưỡng trên nền tảng của gia đình và cộng đồng một cách an toàn và được tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
Một số hình ảnh về Tọa đàm: