Theo các chuyên gia, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản và đưa mức giá phù hợp khoảng 2-3 tỷ đồng là cứu cánh cho doanh nghiệp thời điểm này.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững Bất động sản năm 2022 ngày 15/12, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đánh giá, thị trường và các doanh nghiệp trải qua một năm đầy biến động. Qua cơn “sóng gió” là lúc doanh nghiệp rút ra bài học, kinh nghiệm để phát triển bền vững.
Chủ tịch VCCI nêu thực tế: “Khi vốn huy động xã hội không được đổ vào tạo sản phẩm cho thị trường bất động sản mà một tỷ lệ lớn đổ vào đầu cơ, mở rộng quỹ đất thâu tóm dự án quỹ đất, khiến dòng tiền tương lai bị chặn đứng. Doanh nghiệp trông chờ vào tăng giá đất đai là khiếm khuyết lớn”.
Ông Công cho rằng, trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm tới. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp cần phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất từ khâu huy động vốn hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết. Đi kèm với đó là quan tâm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Các doanh nghiệp cần có thêm các chính sách, tính toán lại giá bán phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nêu ý kiến, thay vì căn hộ giá 6-7 tỷ đồng, nếu sản phẩm tầm khoảng 2-3 tỷ đồng thì chỉ trong một ngày mở bán, gần như sẽ không còn. Nhu cầu của thị trường, của người dân rất cao và họ chuẩn bị sẵn nguồn lực để mua nhà. Nhiều nhà đầu tư trực chờ tìm sản phẩm có giá trị để đưa tiền ra thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đề xuất, cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường, nhất là cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá thấp. Giá nhà ở từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống với thành phố lớn và giá thấp hơn với các địa phương khác cần có lãi suất hỗ trợ.
Bà Bùi Trang, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam, đánh giá, các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tương đối lớn, chưa tham gia được thị trường. Một số chủ đầu tư lớn đang bị mất cân bằng về cấu trúc vốn. Theo bà Trang, cần có cơ chế, chính sách tận dụng được nguồn quỹ nước ngoài để tăng nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong nước.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật và các thủ tục triển khai dự án; rà soát các quy định về đất đai, quy hoạch xây dựng, nhà ở và xây dựng bất động sản,... gây khó cho doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định, trong đó có các nghị định về quy hoạch, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Bộ cũng áp dụng cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng lao động thu nhập thấp.