Ngày mai (24/09), Cầu Nhơn Trạch đã chính thức khởi công, đặt những viên gạch đầu tiên cho Đường Vành Đai 3, “giấc mơ 13 năm” của TP.HCM. Cùng với đó, hàng loạt công trình kết nối TP.HCM và Đồng Nai tăng tốc, được kỳ vọng mở đường đột phá kinh tế vùng Đông Nam bộ sau nhiều năm bị kìm hãm bởi nút thắt hạ tầng
Sẵn sàng thi công ngay sau khi phát lệnh.
Ngày 20.9, sau cuộc họp với Ban Quản Lý Dự Án (QLDA) Mỹ Thuận (Bộ GTVT, chủ đầu tư) và UBND tỉnh Đồng Nai về tiến độ thực hiện dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Bộ GTVT đã chốt lịch khởi công công trình vào ngày 24/09 tại xã Phú Thạnh, Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Dự án thành phần 1A gồm có cầu Nhơn Trạch và phần đường dài hơn 8km, điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc H.Nhơn Trạch và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD). Trong đó, gói thầu thành phần được mong chờ nhất là cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM với Đồng Nai. Theo thiết kế, cầu Nhơn Trạch rộng 19,75 m, dài 2.040 m, đường dẫn hai bên đầu cầu dài 560 m.
Trao đổi với Phóng Viên chiều 22/09, Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Mỹ Thuận, cho biết hiện nay toàn dự án đã bàn giao mặt bằng được đoạn tuyến dài 2,8 km. Trong đó, TP.HCM bàn giao được 1,7/1,9 km đoạn tuyến đi qua địa bàn (đạt 91% tổng diện tích mặt bằng); Đồng Nai bàn giao được khoảng 1,1/6,3 km. Về phía tư vấn giám sát, từ ngày 15.9, Ban QLDA Mỹ Thuận đã phát hành thông báo bắt đầu dịch vụ và huy động nhân sự tư vấn để tiến hành các nhiệm vụ rà soát, phê duyệt bản vẽ, biện pháp thi công, kiểm tra phê duyệt nguồn vật liệu… và các công tác chuẩn bị ngoài hiện trường. Trong khi đó, phía nhà thầu hiện cũng đã sẵn sàng và được huy động ngoài hiện trường trên toàn bộ mặt bằng cả phía TP.HCM cũng như phần dưới nước thuộc sông Đồng Nai. Ngay sau khi phát lệnh khởi công, nhà thầu sẽ triển khai ngay công tác thi công.
“Cơ bản gần như toàn bộ các công tác chuẩn bị nội nghiệp và hiện trường của nhà thầu đã sẵn sàng để khởi công dự án và tiến hành thi công ngay. Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP.HCM trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các đoạn còn lại. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, cùng nhà thầu và tư vấn tập trung thi công để đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, hoàn thành đưa dự án vào khai thác cuối năm 2025 theo đúng tiến độ đề ra”, ông Thi nói.
Cũng theo Ông Trần Văn Thi, dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ H.Nhơn Trạch đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị TP.HCM. Về dài hạn, công trình này sẽ từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 TP.HCM, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.
Ngoài ra, cầu Nhơn Trạch còn là một trong những tuyến đường kết nối vào sân bay quốc tế Long Thành, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến cao tốc HLD theo hướng đi Quốc lộ 51, phục vụ nhu cầu vận chuyển của hàng trăm doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn H.Nhơn Trạch. “Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp kết nối hàng loạt đường cao tốc trọng điểm khu vực phía nam, sẽ thúc đẩy giao thương giữa các địa phương, là cú hích kinh tế toàn diện cho TP.HCM nói riêng cũng như các vùng lân cận nói chung”, ông Thi kỳ vọng.
Giảm tải Quốc lộ 51, xóa thế “cao tốc rùa bò”
Theo dự kiến hồi đầu năm, cầu Nhơn Trạch sẽ được khởi công trong tháng 5, nhưng do công tác đấu thầu bị chậm nên thời gian khởi công phải lùi tới tháng 6. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư cùng nhà thầu vẫn chưa thể tiến hành thi công do địa phương chưa hoàn thành công tác GPMB. Mốc tiến độ tiếp tục lùi tới tháng 7 và sau bao chờ đợi, cuối cùng cũng đã được “chốt” vào ngày 24.9 trong tiếng “thở phào” nhẹ nhõm của hàng trăm DN cũng như hàng ngàn hộ dân sinh sống tại khu vực tuyến đường đi qua.
Nói “thở phào” là bởi hiện nay, giao thông kết nối đang là nỗi ám ảnh của các phương tiện khi lưu thông từ TP.HCM qua Đồng Nai hay đi Vùng Tàu. Nếu như TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước thì Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là thủ phủ cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi. Chính vì vậy, nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển KT-XH giữa hai địa phương là rất lớn. Thế nhưng, đảm nhận vai trò kết nối giao thông giữa hai địa phương chủ yếu là hệ thống đường bộ, còn số lượng các cầu đường bộ kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai lại rất ít. Năm 2015, khi khánh thành cao tốc HLD, cầu Long Thành thuộc dự án này trở thành cây cầu đầu tiên đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai (kết nối TP.Thủ Đức và H.Long Thành). Sau nhiều năm, nhu cầu phát triển kinh tế tăng chóng mặt nhưng đây vẫn là cây cầu duy nhất kết nối hai địa phương. Bởi vậy không tránh khỏi tình trạng quá tải nghiêm trọng. Tại các nút giao đường tỉnh 25B và đường cao tốc HLD, hằng ngày xe tải trọng lớn ra vào các KCN Nhơn Trạch và xe lưu thông đi vào cao tốc rẽ ra QL51 gây xung đột, ách tắc hàng ki lô mét. Thay vì chỉ mất gần 2 giờ di chuyển cho quãng đường hơn 120km từ TP.HCM đi Vũng Tàu, hiện người dân phải mất tới 4 giờ, thậm chí 5 - 6 giờ.
Cao tốc HLD thành thấp tốc, các xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo từ TP.HCM đi Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bị “ám ảnh” với tuyến QL51. Đó là lý do cầu Nhơn Trạch gánh trên mình nhiều mục tiêu và kỳ vọng.
Vui mừng trước thông tin khởi công cầu Nhơn Trạch, Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, cho hay nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và Đồng Nai rất lớn. Hàng xuất nhập khẩu, container chủ yếu tập trung ở cảng Cát Lái; khu vực Phú Mỹ thì có nhiều nhà máy sản xuất thép, nhiều tàu hàng lớn quy tụ về đây thường tỏa hàng về phía H.Bình Chánh (TP.HCM) hoặc đi các tỉnh miền Tây. Mỗi tháng, riêng Lâm Vinh nhận chạy hàng trăm chuyến hàng. Thực tế số lượng chuyến hàng đáng ra phải cao hơn rất nhiều nhưng do ùn tắc thường xuyên ở Quốc lộ 51, hiệu suất quay đầu xe giảm xuống một nửa, có khi chỉ còn 1/3. Chưa kể khi bị ùn tắc, khổ nhất là tiêu hao nhiên liệu.
“Cầu Nhơn Trạch sẽ “chia lửa” cho QL51, phá thế độc đạo của tuyến đường này. Theo tôi biết thì cầu Phước An nối TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) với Huyện Nhơn Trạch cũng chuẩn bị khởi công. Cùng với cầu Nhơn Trạch và tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nếu sớm được triển khai, mạng lưới đường bộ kết nối giữa hai địa phương sẽ mở đường cho giao thương hàng hóa phát triển”, ông Vinh nhận định.
Đồng bộ tiến độ Vành đai 3.
“Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là một trong những ki lô mét đầu tiên của tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM. Việc chính thức khởi công dự án trong những ngày tháng 9 nhiều ý nghĩa được coi là một sự khởi đầu tốt đẹp, gửi gắm hy vọng về những thành công tiếp theo cho cả dự án Vành đai 3 trong thời gian tới”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), chia sẻ trước “giờ G” khởi công cầu Nhơn Trạch.
Theo Ông Phúc, tuy không cùng chủ đầu tư và có nguồn vốn khác nhau nhưng dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là một cấu phần của Vành đai 3, nên mọi đầu việc được phối hợp rất chặt chẽ giữa TCIP, Ban QLDA Mỹ Thuận cùng các địa phương, đảm bảo toàn dự án triển khai đồng bộ. Trong khi cầu, đường Nhơn Trạch thi công, các dự án thành phần còn lại đi qua địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Cụ thể, trong năm 2022, mỗi địa phương sẽ lập và duyệt 2 dự án thành phần là dự án xây lắp và bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong năm tiếp theo, phấn đấu khởi công chính thức dự án vào tháng 06/2023. Sau đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để đến năm 2025 có thể thông xe trục 4 làn xe của tuyến cao tốc chính. Đây đồng thời cũng là giai đoạn hoàn thành dự án thành phần 1A. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2026 khi đã hoàn chỉnh các hạng mục còn lại và đường song hành. Hiện tiến độ này vẫn đang được giữ đúng theo kế hoạch.
Người dân mong chờ cây cầu